Giáo dục thông qua thực hành, quan sát, trải nghiệm

Giáo dục thông qua quan sát, trải nghiệm và thực hành nhằm khuyến khích trẻ tích cực học tập! 

Những kinh nghiệm có từ thực tế cuộc sống sẽ cung cấp cho học sinh những hiểu biết và kĩ năng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Giáo dục cần phải gắn với thực tế cuộc sống và nhằm mục đích phục vụ cuộc sống. Chúng ta cần dạy cho học sinh cách áp dụng những kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó vào những việc đơn giản hàng ngày. Giáo viên hoàn toàn có thể dậy học sinh tiểu học các kiến thức từ thực tế và môi trường xung quanh. Việc dậy và học qua thực tế và dựa vào thực tế sẽ làm cho việc dậy và việc học trở nên hứng thú và nhẹ nhàng. Ở các cấp học cao hơn, có thể bổ sung việc thực tập, khảo sát thực tế và thời gian thực hành trong phòng thí nghiệm hay tại các cơ quan nghiên cứu …vào các chương trình học.


 Phụ huynh và giáo viên có thể sử dụng những phương pháp quan sát, thực tiễn từ cuộc sống hàng ngày, thí nghiệm đơn giản và giúp trẻ tham gia các công việc trong gia đình hay trong nhà trường để cung cấp cho các em những phương pháp và kỹ năng cần thiết cho việc học, giúp các em tự tin và thành công hơn trong cuộc sống của mình.

 Những cách dưới đây giúp giáo viên và phụ huynh có thể giáo dục học sinh và con em mình thông qua thực hành và trải nghiệm thực tế: 

Quan sát. Bao gồm các cuộc khảo sát thực tế, phỏng vấn, tham gia các sự kiện văn hóa và tìm hiểu cách người lớn làm việc và hòa nhập vào xã hôi. Các hướng dẫn viên ở bảo tàng và vườn thú sẽ là những người trả lời những câu hỏi và cung cấp các thông tin bổ sung, họ còn có thể nói về những điều rất đặc biệt để quan sát và hướng trẻ tập trung vào câu chuyện/chủ đề đang được nói đến.

Ví dụ khi cho học sinh lớp 4 học các môn khoa học (bài 63: động vật ăn gì để sống) ta có thể đưa các em đến vườn thú để học thay vì ngồi trong lớp. Rõ ràng việc đứng quan sát các con thú ở vường bách thú sẽ thú vị và hấp dẫn hơn nhiều so với việc nhìn vào hình vẽ trong sách rồi tưởng tượng ra các con vật đấy sống như thế nào.

Có thể đưa các em đến học ở vườn quốc gia và các cán bộ kiểm lâm sẽ giới thiệu cho các em kiến thức liên quan đến môn học, công việc của người kiểm lâm. Cũng có thể đưa các em đến học ở các trang trại hay những nơi có nuôi những vật nuôi liên quan và trẻ được tiếp xúc trục tiếp với những người làm các công việc của họ.

 Tùy vào điều kiện và địa điểm của từng trường, hoàn toàn có thể chọn được những nơi có thể đưa các em đến học. Khi trẻ được nghe người lớn giải thích về công việc của họ và cách thức làm việc sẽ làm cho việc học của chúng trở nên thực tế hơn và các kiến thức các em thu nhận được sẽ gắn với cuộc sống của các em.

Bất cứ giáo viên nào, hay phụ huynh nào cũng có thể giáo dục con em mình hay học sinh của mình thông qua quan sát. Chúng ta nên vận dụng chính những điều đơn giản từ cuộc sống hàng ngày để rèn luyện kỹ năng quan sát cho học sinh.

 Kinh nghiệm thực tế là kinh nghiệm đến từ thực hành. Việc quản lý tiền, nấu ăn, phân loại quần áo, phân loại rác thải, trồng cây, học nhạc, học tiếng Việt, học vẽ sẽ làm các em hứng thú và ham thích học hơn nếu các em được trải nghiệm trên thực tế. Việc trồng cây trong vườn, hay tham gia trực tiếp vào hoạt động trồng rau giúp các em học sinh hiểu thức ăn xuất phát từ đâu và phân biệt được các loại trái cây và rau củ, hiểu về kỹ thuật trồng cây và trồng rau. Giúp bố mẹ thay dầu máy, kiểm tra lốp xe, rửa xe,… giúp học sinh kĩ năng và ý thức bảo dưỡng máy móc. Việc dạy các em kiến thức thông qua trực tiếp làm các việc đơn giản như vậy sẽ làm cho trẻ thích thú, đồng thời cũng dạy cho trẻ thêm nhiều kĩ năng mới và hiểu biết thêm về cuộc sống xung quanh. Ngoài ra, phụ huynh, bạn bè hay họ hàng có thể chia sẻ thông tin về công việc, sở thích hoặc đưa trẻ cùng đến chỗ làm. Hãy tận dụng tất cả những cơ hội để dạy trẻ những kiến thức liên quan đến cuộc sống và học tập – điều này sẽ giúp trẻ sẽ dể dàng tiếp thu các kiến thức ở trường và có những kỹ năng thiết thực trong cuộc sống.

 Thí nghiệm dựa trên phương pháp khoa học. Các nhà khoa học tiến hành thí nghiệm để kiểm chứng hoặc bác bỏ một giả thuyết hay một dự đoán. Đối với quan niệm của khoa học, các thí nghiệm có nghĩa rất rộng, bao gồm cả những việc như nấu ăn, làm toán, lau chùi, quản lý tiền bạc, làm vườn. Nói chung là bất cứ thứ gì có thể giúp con người học thêm điều mới đều có thể được coi là thí nghiệm. Trẻ em cũng vậy, chúng có năng khiếu tự nhiên khám phá ra những giả thuyết dựa trên những gì chúng biết hay khi tiến hành nghiên cứu lấy thông tin. Chúng ta có thể cho trẻ bắt đầu những thí nghiệm ở độ tuổi rất nhỏ như việc nhận biết chanh thì chua và đường thì ngọt bằng cách nếm chúng. Trẻ sẽ biết rằng tay chúng có thể bị bỏng nếu chúng chạm tay vào máy uốn tóc đang nóng, thử những phương pháp để chạy nhanh hơn, ném bóng được xa hơn và cách nín thở lâu hơn …

 Những thí nghiệm đơn giản trên giúp trẻ tự thử nghiệm những ý tưởng trong một môi trường có giám sát. Chính những điều này dạy cho trẻ tầm quan trọng của việc tuân theo những nguyên tắc và những chỉ dẫn. Khi trẻ học cách sử dụng an toàn rồi nói về những kết quả mong muốn và xem chúng có xảy ra trên thực tế không. Sau đó sẽ bàn luận tại sao những cuộc thí nghiệm thành công và thất bại. Học theo cách như vậy, các em sẽ có niềm vui với việc khám phá và như vậy việc học sẽ trở nên dễ dàng hơn và cũng giúp cho các em có những kỹ năng khác cần thiết cho cuộc sống sau này (kỹ năng nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá, sáng tạo).

 Tình nguyện và làm việc. Đây là một trải nghiệm rất tốt cho những trẻ lớn tuổi hơn. Tuy nhiên cũng có thể bắt đầu cho trẻ lớp 4 và lớp 5 tham gia vào các hoạt động tình nguyện. Bằng cách này học sinh có thể thử xem mình đã hiểu biết gì về môi trường xung quanh và qua đó tự phát triển kiến thức của mình. Ví dụ học sinh có thể tham gia tình nguyện bảo vệ một số cây quanh trường, hoặc vườn trường. Qua các hoạt động này, học sinh không chỉ học cách chăm sóc cây mà còn học cách thực hiện một hoạt động cụ thể, cách thuyết phục người khác tham gia…. Cần có sự hướng dẫn của thầy cô và các anh chị phụ trách để hướng dẫn, giao nhiệm vụ qua đó học sinh cũng sẽ học được giá trị của việc đến đúng giờ và hoàn thành công việc được giao đúng hẹn… Học sinh nhỏ tuổi hơn cũng có thể tham gia vào những công việc này với sự giám sát của các anh chị phụ trách hoặc học sinh lớn hơn (ví dụ: qua hoạt động trong các buổi sinh hoạt sao).

 Nếu những trường không có điều kiện thực hiện các hoạt động này, các nhóm phụ huynh hoàn toàn có thể tổ chức cho các con tham gia, giúp con có ý thức và trách nhiệm hơn với cộng đồng. Việc học qua những hoạt động cụ thể giúp trẻ hình thành tính trách nhiệm và kĩ năng giải quyết các vấn đề cụ thể để từ đó ứng dụng vào cuộc sống thường ngày.

Nhà trường cũng có thể tổ chức các hoạt động cụ thể như (trồng cây, dọn vệ sinh các nơi công cộng, chăm sóc cây ở công viên …). Nhà trường nên tổ chức các hoạt động tình nguyện có sự tham gia của gia đình và các tổ chức tình nguyện, các tổ chức xã hội, hay các tổ chức cộng đồng. Các buổi thăm quan, dã ngoại, hoạt động ngoài giờ lên lớp là những cơ hội tuyệt vời để giáo dục các em học sinh về thiên nhiên, môi trường cũng như tổ chức hoạt động bổ sung kiến thức và kỹ năng khác cho các em. Cha mẹ học sinh và giáo viên cần phối hợp và hỗ trợ để tổ chức những hoạt đông này hiệu quả và thực sự có ý nghĩa về giáo dục cho học sinh.

Tô Kim Liên 
Tháng 7 năm 2012
Previous
Next Post »