Hoạt động ngoài trời giúp trẻ phát triển toàn diện


Cho trẻ chơi trong tự nhiên cũng là một cách học hỏi.

Trẻ em sẽ khoẻ mạnh hơn, thông minh hơn, có kỹ năng học tập tốt hơn nếu thường xuyên có điều kiện gần gũi và khám phá thiên nhiên. Tuy nhiên, người lớn và các nhà giáo dục vẫn chưa chú ý nhiều đến khía cạnh này. 

Nhiều bậc cha mẹ lo ngại rằng cho con chơi ngoài trời nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ. Chúng có thể bị cảm lạnh, cháy nắng, bị chó cắn, tai nạn, gẫy xương, thậm chí bị bắt cóc…Có rất nhiều những nguy cơ tai nạn khác. 

 Chúng ta có thể cố gắng bảo vệ và bao bọc con trẻ. Những đổi lại là gì? Trẻ dành 8 tiếng mỗi ngày cho các thiết bị điện tử và xa lạ với thế giới tự nhiên bên ngoài. Kết cục là ngoài ngôi nhà quen thuộc trẻ rất thiếu kỹ năng ở những khu vực khác như: rừng, biển,…Trẻ đặc biệt phát triển mạnh mẽ nơi thiên nhiên, thiên nhiên ở đây hoàn toàn không phải là những khu vực biệt lập chẳng hạn như vườn thú. Cha mẹ và các nhà giáo dục nên chú ý đến khía cạnh này trong quá trình phát triển của trẻ. 

David Sobel là giảng viên Đại học Antioch ở New Hampshire. Ông từng được đào tạo làm giáo viên mẫu giáo tại Anh là người cổ vũ cho phương pháp giáo dục trên nền tảng tự nhiên. Ông cũng là người sáng lập trường Harrisville ở New Hampshire (Mỹ). 

 Ông kể một câu chuyện về ngày đầu dạy học. Những ngày mưa kéo dài đã khiến những đứa trẻ trong lớp mẫu giáo buồn chán và trở nên quậy phá. Ngay sau khi trời tạnh, chúng ùa hết ra ngoài. 

Nước mưa thoát qua ống nước tạo ra một con lạch nhỏ, chảy dọc theo con đường xuống dốc. Hai cậu bé đã chăm chú tạo một con đập để chuyển hướng dòng chảy. Rồi những đứa trẻ khác đến. Nhanh chóng, con đập to hơn được “xây” phía trên, tạo thành kênh dẫn nước xuống con đập phía dưới. Đột nhiên hình thành một dự án lớn. Lũ trẻ tranh luận tại sao phải đắp đập, đào sâu mương nước. Chúng hò hét: “10 phút nữa là ngập. Cảnh báo có thể vỡ đập”. Hai tuần sau, khi học về bùn, đất, nước, con đập…bài giảng trên lớp trở nên sống động hẳn. Chỉ là một trò chơi tự nhiên, có lẽ mọi đứa trẻ trên thế giới đều đã làm. Và đây là cách tốt cho trẻ chơi mà học. 

Sobel đã dành nhiều tâm huyết cho Phương pháp giáo dục gắn với tự nhiên, giúp mọi người hiểu rằng thế giới tự nhiên ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu, luôn có sức hấp dẫn với mọi đứa trẻ và thật tuyệt vời nếu vận dụng để dạy cho trẻ về các môn khoa học. Những điều gần gũi trong thiên nhiên sẽ tạo nên nền tảng tốt đẹp để trẻ học hỏi các kiến thức tại phòng thực hành. Và chúng ta nên tạo ra môi trường gần gũi với thiên nhiên cho trẻ. 

Thời kỳ nông nghiệp, các sinh viên đến từ vùng nông thôn. Họ học hỏi những kiến thức khoa học mà vốn đã có ít nhiều kinh nghiệm trong thực tế từ những cánh đồng, chuồng bò, nông trại…Do vậy, họ tiếp nhận kiến thức rất tốt. 20 năm trước, người Đức đã phát động “Lớp học trong rừng” để chống lại sự xa lạ với tự nhiên của trẻ. Thỉnh thoảng, trẻ con dành cả ngày ngoài trời để khám phá tự nhiên. Hiện nay ở các nước Scandinavia, họ tạo những ngôi trường xanh, không có hệ thống sưởi để trẻ thích nghi với tự nhiên. 

Gần gũi với tự nhiên, trái với lo lắng của phụ huynh, lại làm cho trẻ khoẻ mạnh hơn. Thực tế 10 năm qua, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các hoạt động thể chất ngoài trời mang lại sức bền, sự dẻo dai và sự phối hợp hoạt động tốt. Những lớp học cho trẻ mẫu giáo có chương trình ngoài trời có tỉ lệ thấp hơn trẻ vắng mặt và mắc các bệnh truyền nhiễm. 

Các bác sĩ hiện cũng kê đơn: Tăng thời gian hoạt động ngoài trời cho các trẻ em mắc chứng tăng động giảm chú ý. Có 9.5% trẻ con Mỹ phải uống thuốc điều trị chứng này và ngoài thuốc, điều các em cần là: thiên nhiên 

Người lớn chúng ta nên chú ý đến khía cạnh này trong giáo dục trẻ. Nếu muốn trẻ khoẻ mạnh hơn, thông minh hơn, kỹ năng xã hội tốt hơn, có khả năng linh hoạt hơn thì hãy năng cho trẻ hoà mình với thiên nhiên. Tất nhiên vẫn phải trông chừng nhưng hãy luôn giữ một khoảng cách nhất định với chúng. Và hãy tìm cách khơi gợi trẻ ham muốn tìm hiểu sâu xa hơn những gì chúng đang khám phá.

LÊ HÀ 
(Theo Educationnews)
Previous
Next Post »