TÌM HIỂU VỀ CÁC LÀNG NGHỀ BẮC NINH

TÌM HIỂU VỀ CÁC LÀNG NGHỀ BẮC NINH


1.    Thời gian: Chủ Nhật, ngày 23/12/2012
2.    Đối tượng tham gia:
     Học sinh tuổi từ 7 – 13; Số lượng: 25 - 30

3.    Giới thiệu tóm tắt
 
Chương trình tìm hiểu về các làng nghề Bắc Ninh có ý nghĩa: là một hành trình tìm về các làng nghề truyền thống, các bạn học sinh sẽ cùng nhau tìm hiểu về quy trình làm ra một sản phẩm gốm Phù Lãng và một bức tranh Đông Hồ.

Chắc chắn các em sẽ rất hào hứng với công việc tiếp theo là tự tay nhào nặn để cho ra một sản phẩm gốm và tạo ra một bức tranh Đông Hồ của riêng mình.

4.    Lịch trình dự kiến hoạt động
Thời gian
Hoạt động
7:00 – 7:30
Đón học sinh tại Cổng trường THCS Thực Nghiệm Hà Nội (Số 50 Liễu Giai)
Tập trung, điểm danh nhận nhóm, dán tên bằng sticker
7:30
Xuất phát đi Địa điểm 1: Làng gốm Phù Lãng
7:30 – 9:00
Hoạt động trên xe :
-          Nghe hướng dẫn viên giới thiệu về làng gốm Phù Lãng, so sánh với gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) và gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương)
-          Ghi nhớ các câu hỏi mà các em phải tự tìm hiểu khi tham quan làng gốm
9:00 – 9:15
Đến Hội trường UBND xã Phù Lãng
Tập kết đồ, tập trung
Ăn giữa giờ
9:15 – 09:30
Chia nhóm, bầu nhóm trưởng, đặt tên cho nhóm
Chơi trò chơi khởi động
09:30 – 11:00
Từng nhóm di chuyển đến hộ làm gốm theo hướng dẫn của phụ trách (gốm Thành Thanh)
Các hoạt động tại nhà làm gốm:
-          Tham quan, nghe giới thiệu về nguồn gốc làng Gốm, các loại sản phẩm (gốm truyền thống và gốm mỹ nghệ); quy trình làm một sản phẩm gốm
-          Hỏi đáp về gốm.
-          Tự tay làm một sản phẩm, qua đó tìm hiểu thêm về cách làm gốm
11:00 – 11:30
Tập trung lại tại Hội trường UBND xã Phù Lãng
Tổng kết hoạt động buổi sáng
11:30 – 13:00
Ăn và nghỉ trưa
13:00
Lên xe, di chuyển đến Địa điểm 2: Làng tranh Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện ThuậnThành
13:00 – 13:30
Các hoạt động trên xe:
-          Nghe hướng dẫn viên giới thiệu về làng tranh Đông Hồ, so sánh với tranh Hàng Trống, tranh Lụa,…
-          HDV sẽ hỏi các em một số câu hỏi để các em tự tìm câu trả lời khi tham quan làng tranh.
13:30  – 14:15
Tập kết tại Trung tâm giao lưu văn hóa dân gian Tranh Đông Hồ 
Các hoạt động tại Trung tâm:
-          Nghe các nghệ nhân giới thiệu về nguồn gốc tranh Đông Hồ, quy trình làm ra một bức tranh
-          Nghe giới thiệu ý nghĩa của một số bức tranh: Bà Triệu đánh giặc; Chê Cóc kiện nhau, Chăn trâu thổi sáo, Thầy đồ Cóc; Nhân nghĩa; Mẹ con;…
14:15 – 15:30
-          Tự do tham quan, quan sát cách làm ra một bức tranh Đông Hồ
-          Hỏi đáp và nghe trả lời các thắc mắc
-          Tự tay làm một bức tranh Đông Hồ
15:30 – 15:45
Rửa tay chân, ăn nhẹ
15:45 – 16:00
-          Tổng kết hành trình ở làng tranh
-          Ghi nhật kí hành trình
16:00 – 16:10
Tập kết
Điểm danh
Lên xe về Hà Nội
16:10 – 17:00
Về Hà Nội

Cán bộ hướng dẫn và phụ trách hoạt động:

5.     Địa điểm:

5.1. Làng gốm Phù Lãng:

Làng gốm Phù Lãng thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 60 km. Theo Tô Nguyễn, Trình Nguyễn trong sách Kinh Bắc-Hà Bắc thì ông tổ nghề gốm Phù Lãng là Lưu Phong Tú. Vào cuối thời Lý, ông được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc. Trong dịp đi này, ông học được nghề làm gốm và truyền dạy cho người trong nước.

Gốm Phù Lãng tập trung vào 3 loại hình:
  • Gốm dùng trong tín ngưỡng (lư hương, đài thờ, đỉnh...);
  • Gốm gia dụng (lọ, bình, ang, chum, vại, bình vôi, ống điếu...);
  • Gốm trang trí (bình, ấm hình thú như ngựa, voi...).
Gốm Phù Lãng có nét sắc thái riêng biệt, đó là những sản phẩm gốm men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu… mà người ta gọi chung là men da lươn. Thêm nữa, nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong, còn gọi là chạm kép, màu men tự nhiên, bền và lạ; dáng của gốm mộc mạc, thô phác nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa, và rất đậm nét của điêu khắc tạo hình.

Kĩ thuật làm gốm:

Chọn và xử lý đất sét >> Tạo hình >> Tráng men >> Nung >> Sản phẩm

5.2. Làng tranh Đông Hồ

Làng tranh Đông Hồ xưa là làng nghề nổi tiếng về tranh dân gian, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cách Hà Nội khoảng 35 km. Làng Đông Hồ (đôi khi dân địa phương chỉ gọi là làng Hồ) nằm trên bờ nam sông Đuống, cạnh bến đò Hồ, nay là cầu Hồ.

Tranh được in trên giấy dó quét màu điệp, bố cục hài hòa thuận mắt. Hình vẽ và màu sắc đơn giản, có tính cách điệu cao. Đường nét to, chắc khỏe nhưng không bị khô cứng. Chữ trong tranh vừa minh họa cho chủ đề vừa khiến cho bố cục tranh thêm chặt chẽ và sinh động.

Tranh Đông Hồ không phải là tranh vẽ tay mà được in hoàn toàn bằng tay với các bản màu, mỗi màu dùng một bản. Khi in, dập bản màu nhạt trước, màu đậm sau.

Màu sắc được sử dụng trong tranh Đông Hồ là màu tự nhiên: màu đen lấy từ than gỗ xoan, rơm nếp hay than lá tre; màu xanh lấy từ gỉ đồng hay lá chàm; màu vàng lấy từ hoa giành giành, hoa hòe; màu đỏ lấy từ gỗ vang và sỏi son trên núi Thiên Thai; màu trắng lấy từ điệp v.v. Những chất màu thô này được trộn với nhau và hoà với một lượng bột nếp trước khi in để tạo một lớp hồ, làm cho giấy tranh cứng hơn sau khi phơi khô.

Sau khi in thành tranh, kể cả lúc tranh khô, người xem vẫn cảm nhận được màu sắc của tranh thật tươi tắn như lúc tranh ướt. Các hình khối, mảng nọ đặt cạnh mảng kia có sự ăn ý hài hoà một cách tự nhiên.

Previous
Next Post »