GLOBE - kết nối học sinh, giáo viên, nhà khoa học

Sau sự thành công của GLOBE 2016, vừa qua, Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) đã cùng với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) phối hợp tổ chức chương trình “Tập huấn giáo viên chương trình GLOBE 2017” trong hai ngày 29 - 30/8/2017 tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Hà Nội).

Trong hai ngày tập huấn, hơn 40 giáo viên Vật lý, Hóa học, Địa lý, Sinh học, và Toán học của các trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, THCS Thực nghiệm, THPT Thực Nghiệm, THCS Nam Từ Liêm, trường PTLC Olympia, trường THCS Giảng Võ đã cùng giảng viên Desh Bandhu và R.K.Garg tìm hiểu và trực tiếp làm thí nghiệm theo ba chủ đề Khí quyển, Đất và Thủy quyển.
Các giáo viên thực hành quan sát mây theo sự hướng dẫn của giảng viên R.K.Garg trong chủ đề Khí quyển. Những nội dung này cũng sẽ được các giáo viên hướng dẫn lại cho học sinh khi chương trình GLOBE được triển khai ở nhà trường. 
GLOBE (Global Learning and Observations to Benefit the Environment) là chương trình học tập và quan  sát vì  lợi ích môi trường toàn cầu cho học sinh từ 6 - 18 tuổi trên toàn thế giới. Tham gia chương trình, học sinh, giáo viên và các nhà khoa học cùng tiến hành tìm hiểu, nghiên cứu về nhiều chủ đề như đất, nước, khí hậu, thực vật, động vật trong môi trường địa phương, từ đó tạo cơ hội cho học sinh tham gia vào tiến hành các nghiên cứu, giúp xây dựng tác phong nghiên cứu, thái độ khoa học, tính chủ động, tư duy, sáng tạo,…

Khí quyển là chủ đề dễ quan sát và thực hành nghiên cứu, phù hợp với hầu hết các trường học. Với chủ đề này, học sinh sẽ quan sát mây, vệt khói ở mây (xuất hiện khi máy bay bay qua), đo nhiệt độ không khí, lượng mưa và độ pH của nước mưa. Các dụng cụ chính cần cho quan sát, thí nghiệm là biểu đồ Mây, nhiệt kế và hộp dụng cụ và dụng cụ (ống) đo lượng mưa.
Biểu đồ Mây của GLOBE
Với chủ đề Đất, các giáo viên được tìm hiểu về đặc tính của đất (cấu trúc, màu, tính rắn, tính chất bề mặt, cacbonat...), độ ẩm và nhiệt độ của đất. Dụng cụ chính cần dùng là biểu đồ Đất, máy đo độ pH, nhiệt kế, chất đệm. 
Giảng viên Desh Bandhu cùng các giáo viên tiến hành thí nghiệm đo độ pH của đất.

Thực hành đo nhiệt độ đất. Nhiệt kế được cắm xuống đất ở độ sâu 5cm và 10cm cho thấy nhiệt độ đất thay đổi theo độ sâu. Giảng viên lưu ý các giáo viên hãy lựa chọn những nơi đo nhiệt độ đất thoáng, tránh xa các vật xung quanh và không bị che phủ bởi bóng râm.
Thí nghiệm chủ đề Thủy quyển yêu cầu nhiều dụng cụ như đĩa Secchi (đo độ đục/trong của nước), máy đo độ pH, máy đo tính dẫn điện, nhiệt kế. Các giáo viên đã được hướng dẫn thực hành tại hồ nước trong khuôn viên Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.
Các giáo viên chia nhóm thực hành đo nước.
Thực hành đo độ đục/ trong của nước bằng đĩa Secchi.
Cũng trong chương trình, các giáo viên đã cùng nhau thảo luận, lên kế hoạch triển khai chương trình. Kết thúc buổi thảo luận cả 6 trường đã đưa ra chọn được các chủ đề, phương thức thực hiện phù hợp với điều kiện của mỗi trường để bắt đầu triển khai.

Các giáo viên tham dự khóa tập huấn GLOBE chụp ảnh kỉ niệm.

Kế hoạch triển khai chương trình GLOBE tại các trường

Trung tâm Giáo dục và Phát triển



Previous
Next Post »