Kỳ nghỉ hè xả hơi gần 3 tháng khiến bé có cảm giác nuối tiếc và khó khăn khi phải quay trở lại trường và bắt đầu thói quen học tập như trước. Cha mẹ nên giúp gì cho con để trẻ vượt qua thời điểm này? Nếu không khéo léo, con bạn có khả năng mắc bệnh mãn tính sợ trường học, điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới kết quả học tập của trẻ về sau.
Vấn đề này gặp phải với cả các bé mới đi nhà trẻ, lớp 1, cho tới các bé đã học lớp 4, 5 và thậm chí cả Trung học cơ sở
Điều gì khiến trẻ không muốn tới trường đến thế?
Do trẻ quen ở cạnh gia đình.
- Khoảng 5% trẻ ở trường tiểu học và 2% trẻ ở trường trung học có rối loạn này. Một số trẻ sợ xa cách cha mẹ vì chưa từng xa cha mẹ trước khi đi học. Bình thường, một trẻ khoảng 3-4 tuổi có thể xa cha mẹ được nếu trẻ không nhút nhát và sợ người lạ.
Nếu cha mẹ quá bao bọc con, không dám cho con chơi với bạn hàng xóm hoặc đến trường mầm non lúc nhỏ thì trẻ rất khó để thích nghi với trường học, là một nơi xa lạ đối với trẻ. Trường hợp này thường gặp ở trẻ gái và 20% số này bị bạn bè trêu chọc. Nếu cho bé đi nhà trẻ từ sớm thì tỉ lệ trẻ tránh né học giảm hơn hẳn vì trẻ đã quen xa mẹ từ nhỏ.
- Một lý do khác là trẻ vừa mới bị một cơn bệnh cấp tính như viêm phổi chẳng hạn và nghỉ học một thời gian. Khi đi học lại, trẻ ngại không theo kịp bài với bạn nên thích ở nhà chơi và xem truyền hình, cha mẹ lại nuông chiều nên cho trẻ ở nhà.
- Trẻ cũng có thể tránh học vì không chịu nổi áp lực học tập từ phía gia đình cũng như phía nhà trường, làm cho trẻ bị căng thẳng (stress) mỗi khi nghĩ đến việc đi học và bị phạt vì không thuộc bài hoặc không hoàn tất bài tập.
Không rõ động lực và không có hứng thú học tập trẻ ngại đến trường (ảnh minh họa)
- Một điều nữa khiến trẻ ko muốn quay lại trường là vẫn quen nếp chơi của những ngày trong hè, được vui chơi, ngủ muộn, dậy muộn nếu cha mẹ không quản lý giờ giấc của con điều độ. Khiến việc đi học và dậy sớm hàng sáng trở thành một cực hình đối với trẻ.
Bạn nên làm gì?
- Trao đổi với cô giáo về vấn đề của bé. Nếu ở trường mầm non bé được các cô yêu thương, chăm sóc như bố mẹ ở nhà thì trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Ngược lại, nếu bị các cô giáo quát mắng, kỷ luật thì chắc chắn các cháu sẽ không thích đến trường.
- Cha mẹ nên thường xuyên cho con đi chơi, giao tiếp trong đám đông, với người lạ hay thỉnh thoảng gửi bé sang ông bà để trẻ dần thích nghi mới môi trường mới. Hầu hết các bé không thích đi học vì gắn bó quá mức với gia đình, khó hòa nhập với môi trường mới và ngại giao tiếp.
- Tạo cảm xúc tốt của bé về trường học: đặc biết với các bé mới bắt đầu học lớp 1 hay nhà trẻ, việc này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bắt đầu bằng việc cho bé đi mua những đồ dùng học tập mới như bút, sách, cặp, vở với nhiều hình thù ngộ nghĩnh đáng yêu, giúp bé tăng hứng thú với việc học. Bạn cũng nên kể những câu chuyện về trường học như cô giáo xinh và hiền như thế nào, việc học sẽ giúp con biết viết, biết đọc báo Nhi Đồng, sẽ giỏi như anh, như chị, như bố mẹ… khiến bé nghĩ trường học là một nơi thân thiện và đáng yêu
Cho bé đi mua những đồ dùng học tập mới với nhiều hình thù ngộ nghĩnh đáng yêu, giúp bé tăng hứng thú với việc học
- Hãy luôn bên cạnh để hỗ trợ cho bé: bước sang một môi trường mới luôn là một thử thách với ngay cả nhiều người lớn, hãy luôn ở bên cạnh bé lúc đó. Trước khi khai giảng, bố mẹ hãy cho con đến trường làm quen với bàn ghế, phòng học, nhà ăn, sân chơi, trống trường. Bố mẹ làm thế nào để vẽ nên viễn cảnh khiến con hào hứng và thích thú khi học lớp 1. Ngày khai giảng, dù bận rộn thế nào, bố mẹ cũng cố đưa con đi học, đến tận cửa lớp, thậm chí dự khai giảng với con. Tối về, hãy thủ thỉ tâm sự với con những gì học ở trường hôm nay. Cố gắng lắng nghe và trấn an con những gì khiến con lo lắng, không thích khi học ở trường. Làm cho bé hiểu rằng, bố mẹ lúc nào cũng ở bên con, dù con có đi học lớp 1 hay lớp 2. Nếu có thể, nên đưa đón bé hàng ngày và trò chuyện cùng bé xem hôm nay có chuyện gì ở trường, bé được học những gì, bạn bè vui ra sao. Đồng thời phát hiện sớm những chuyện bé đang vướng mắc ở trường để giúp bé giải quyết.
- Nếu bé đã từng đi học: việc đi mua đồ cho năm học mới và nhắc trẻ bọc lại sách vở mới hay xem lại sách vở cũ sẽ khiến bé từ từ ý thức được việc mình chuẩn bị tới trường. Bạn cũng nên gợi nhớ cho trẻ sự vui thú của việc gặp lại bạn bè. Bạn cũng có thể chuẩn bị một ít bánh kẹo cho bé mang tới liên hoan cùng các bạn trong ngày đi học đầu tiên
Bạn không nên làm gì?
- Mỗi buổi sáng, cha mẹ không nên nhắc hay quát to với con: “Dậy đi học nào!”, “Lại muộn giờ rồi” hay “Ăn nhanh lên còn đi học chứ”… Thay vì thế, anh chị hãy tạo cho bé niềm vui nho nhỏ như khen con: “Hôm nay Bi mặc bộ quần áo này đẹp quá” hay hỏi chuyện bé “Con có nhớ câu chuyện hôm qua mẹ con mình cùng kể không?”, bảo bé tập làm một việc gì đó và động viên… Khi vui vẻ, trẻ sẽ quên áp lực phải đi học. Sau đó, bố mẹ cứ tự nhiên đưa trẻ đến trường. Cùng với sự niềm nở của cô giáo thì trẻ sẽ cảm thấy không sợ lớp học nữa.
- Các bậc phụ huynh cũng không nên dọa bé kiểu như: “Con không ăn nhanh mẹ cho đi học để cô giáo cho ăn, rồi các bạn nó ăn hết thì thôi”, “Con hư là mẹ cho đi học đấy” hay “Con mà không làm (một việc gì đó) là mẹ nói với cô giáo đấy”… Bố mẹ hãy tránh gắn những cảm xúc tiêu cực của trẻ với trường học, thầy cô giáo.
Điều cuối cùng, xin chúc các bố mẹ có một năm học mới đầy hứng khởi cùng các bé nhé
Nguyễn Bình/tieuhoc.vn (Theo EVA.VN)
ConversionConversion EmoticonEmoticon