Học thực địa tại VNSC: Một chuyến du ngoạn vào vũ trụ


Nhân dịp kỉ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) đã phối hợp với trường THCS Thực nghiệm đưa 100 em học sinh lớp 9 đến thăm quan, tìm hiểu về các gian triển lãm công nghệ và sản phẩm của các Viện nghiên cứu, đặc biệt, tìm hiểu sâu về công nghệ vệ tinh và ứng dụng của nó. 

Hằng năm, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC) mở cửa phòng thí nghiệm một ngày để đón tiếp các bạn học sinh, sinh viên đến tham quan và học tập về công nghệ vũ trụ.

Năm nay, nhân dịp kỉ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, VNSC cùng với các Viện nghiên cứu khác trong Viện Hàn lâm (Viện Vật lý, Viện Hóa học, Viện Công nghệ môi trường,…) đã tổ chức nhiều hoạt động khoa học ý nghĩa từ ngày 7/10 đến ngày 9/10/2015. Nhân dịp này, CED cũng phối hợp với trường THCS Thực nghiệm đưa 100 em học sinh lớp 9 đến thăm quan, tìm hiểu về các gian triển lãm công nghệ và sản phẩm của các Viện nghiên cứu, đặc biệt, các em đã có 2 tiếng tìm hiểu về vũ trụ tại VNSC.

 

 

Với cách kể chuyện hấp dẫn, những cán bộ khoa học trẻ ở VNSC đã dẫn dắt người nghe đi câu chuyện những nhà cầm quân từ thời Hy Lạp cổ đại, họ đã dựa vào sự tinh tường của đôi mắt người lính khi nhìn những ngôi sao trên bầu trời để chọn ra lính tài; câu chuyện của những nhà Chiêm tinh học về 12 cung hoàng đạo; và câu chuyện về sự hình thành của vũ trụ cách đây 14 tỉ năm bằng những dẫn chứng khoa học thực sự. Trong vũ trụ hiện nay có khoảng 120 tỉ thiên hà, mỗi thiên hà có khoảng 100 tỉ ngôi sao, tuy nhiên, phần lớn vũ trụ là trống rỗng, khối lượng của tất cả các hạt vật chất tạo nên sao và các đám mây khí chỉ chiếm 5% tổng khối lượng toàn vũ trụ, 95% vật chất còn lại chúng ta hiện nay chưa biết và việc tìm lời giải đang là một thách thức lớn nhất của vật lý thiên văn hiện nay.

 

Vậy tại sao phải khám phá vũ trụ, và con người đã làm gì để khám phá vũ trụ? Trước khi một nhà khoa học trẻ khác trả lời câu hỏi đó thì các bạn học sinh đã đưa ra rất nhiều đáp án thú vị: Khám phá vũ trụ để con người thỏa mãn trí tò mò của mình, để con người biết rằng mình không cô đơn trong vũ trụ vì ở đâu đó ngoài kia cũng tồn tại một hành tinh giống như Trái đất hay khám phá vũ trụ để biết khi nào Trái đất bị diệt vong?!. Để khám phá vũ trụ con người đã tạo ra một ngành khoa học gọi là “Công nghệ vũ trụ”, công nghệ vũ trụ là một ngành công nghệ cao được tích hợp từ nhiều ngành khoa học công nghệ khác nhau nhằm chế tạo và ứng dụng các phương tiện như: vệ tinh, tàu vũ trụ, tên lửa đẩy, trạm mặt đất, v.v… Ngày nay, công nghệ vũ trụ được ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng,… tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Có lẽ, lý thú và hấp dẫn nhất trong phần này là đoạn giới thiệu về cuộc chạy đua công nghệ vũ trụ của Liên Xô và Hoa Kỳ, hai cường quốc trong lĩnh vực khoa học này, các em học sinh đã tỏ ra rất thích thú khi được xem những video trình diễn các tàu vũ trụ đi vào không gian rồi đến Mặt trăng, đến Sao Hỏa như thế nào,…

 

Chỉ cần đặt hàng với một công ty vệ tinh hoặc một cơ quan vũ trụ là bạn có thể có một bức ảnh ở bất kỳ nơi nào trên thế giới mà bạn muốn, hay bạn muốn cài đặt GPS để quản lý một tài sản của bạn, công nghệ vệ tinh sẽ giúp bạn làm việc đó. Vệ tinh – một trong những phương tiện có giá trị lớn nhất của nhân loại, ứng dụng của công nghệ vệ tinh đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế xã hội trên toàn thế giới. Hiện nay, công nghệ vệ tinh được sử dụng trong 3 lĩnh vực lớn, đó là: Định vị, Viễn thông và Viến thám.

Ảnh internet

Ở Việt Nam, VNSC đang là đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ vệ tinh và ứng dụng. Tuy mới chính thức thành lập hơn 4 năm, nhưng VNSC đã đạt được những thành tựu nhất định trong ngành công nghệ cao bậc nhất này. Với đội ngũ cán bộ ưu tú, nhiệt huyết, họ đã dần tạo dựng cho mình bước tiến nhanh trong công cuộc phát triển công nghệ vệ tinh và ứng dụng. Một mốc quan trọng gần đây là VNSC đã chế tạo và phóng thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon vào ngày 4/8/2013 và nó được đưa vào quỹ đạo vào ngày 19/11/2013 từ Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Định hướng phát triển của VNSC xin xem chi tiết tại đây

Ảnh: internet

Đó cũng là những nội dung mà học sinh được tìm hiểu tại VNSC. Một buổi học thực sự ý nghĩa và bổ ích, các bạn học sinh đã rất hăng hái giao lưu với các nhà khoa học trẻ và đánh giá cao buổi học qua phiếu các bạn điền sau khi đi học về. Rất nhiều bạn học sinh cũng bày tỏ mong muốn được đến VNSC tìm hiểu kỹ hơn nữa về công việc của các nhà khoa học và mong rằng trong tương lai mình sẽ được tham gia trực tiếp vào những dự án của VNSC.



Trung tâm Giáo dục và Phát triển

Previous
Next Post »