Giáo dục "Công bằng môi trường" tại Trạm ĐDSH Mê Linh tháng 4/2014

Nằm trong chuỗi hoạt động giáo dục chính khóa "Công bằng môi trường" do CED phối hợp với các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội tổ chức, vào ngày 4/4/2014, 40 bạn nhỏ lớp 5D trường Tiểu học Thực nghiệm Hà Nội đã có cuộc khám phá ở Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh (Xã Ngọc Thanh, Thị xã Phúc Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc).
Mở đầu cuộc hành trình, các bạn nhỏ đã được giới thiệu về Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh từ cán bộ của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - cơ quan chủ quản của Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh, (thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Đươc biết, Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh là nơi bảo tồn và nghiên cứu các loài động vật có xương sống như bò sát, ếch nhái và các loài thú. Không chỉ vậy, đây còn là nơi có hệ thực vật đa dạng và phong phú, phù hợp cho việc học tập và tìm hiểu của các em.
Hình 1: Cán bộ Khoa học giới thiệu về Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh
Sau khi giới thiệu sơ lược, lớp được chia làm 2 nhóm nhỏ để tìm hiều về từng khu vực riêng biệt của Trạm. Khu vực đầu tiên là khu bảo tồn và cư trú của hơn 80 cá thể rùa ở Việt Nam, bao gồm rùa Sa Nhân, rùa Núi Vàng, rùa Đất, rùa Bốn Mắt…
Hình 2 . Tham quan khu bảo tồn và cư trú của loài rùa
Đặc biệt hơn, những chú rùa này được nuôi trong cả môi trường tự nhiên và bán tự nhiên để so sánh. Trong quá trình tham quan và tìm hiểu, các bạn nhỏ lớp 5D không chỉ tận mắt chứng kiến và chạm tay vào các loài rùa đặc biệt và quý hiếm, mà còn được tham quan Vườn lan – nơi có hơn 300 mẫu lan khác nhau từ khắp mọi miền của khu vực phía Bắc.
Hình 3. Tham quan vườn lan

Khu vực thứ hai của Trạm là khu bảo tồn, chăm sóc và cứu hộ các loài bò sát và lưỡng cư. Tại đây, các bạn nhỏ đã có dịp được quan sát và tìm hiểu về những thói quen cũng như tập tuc sinh hoạt, sự hình thành và phát triển của chúng.
Hình 4: Cùng quan sát đặc điểm loài Ếch xanh, đồng thời chụp ảnh làm tư liệu học tập
Chiều đến, tiếp tục hành trình khám phá Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh, tập thể lớp 5D cùng cô giáo đã có cuộc hành trình vào rừng để tìm hiểu về hệ thống thực vật đa dạng và tìm hiểu về các khu rừng thuộc Vườn Quốc Gia Tam Đảo.
Hình 5: Trên đường vào rừng.
Men theo những con suối, các bạn nhỏ đã có cơ hội được trải nghiệm và thăm thú cảnh quan nơi núi rừng. Được tận mắt chứng kiến sự đa dạng và phong phú của thảm thực vật cùng các quá trình, hiện tượng xảy ra trong tự nhiên.
Hình 6: Học sinh tiến hành kiểm tra chất lượng nước bằng dụng các dụng cụ khoa học.
Dừng chân tại một con suối cách Trạm khoảng 1km, lớp tiếp tục được chia thành 4 tổ như đã phân công và tiến hành đo các chỉ số khảo sát nước. Dưới sự hướng dẫn của anh Nguyễn Thành Chung – cán bộ Giáo dục (CED) và các anh chị tình nguyện viên của Trung tâm Giáo duc và Phát triển (CED), các bạn nhỏ đã khảo sát thành công về chất lượng nước ở đây, trước hết giúp các bạn có một thói quen và đam mê khoa học. Đồng thời công việc khảo sát này có thể giúp các bạn so sánh đươc sự ô nhiễm giữa nước ở các khu đô thị và nước tự nhiên trong rừng. Từ đó, có thể hiểu khái quát hơn về sự ô nhiễm đang diễn ra hiện nay tại các khu đô thị mà các bạn đang sinh sống, cũng như định hướng những hành động mà mình có thể thực hiện được để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường.
Qua những buổi học thực địa, học sinh được tận mắt nhìn thấy sự đa dạng của các loài động, thực vật trong tự nhiên. Nhận thức được giá trị của sự tồn tại ấy và những nguy cơ có thể làm cho chúng (các loài động thực vật) hoàn toàn biết mất trong tự nhiên. Từ đó đưa ra những hành động thiết thực để bảo vệ các loài động thực vật hoang dã, quý hiếm, bảo tồn sự đa dạng sinh học.
Trở về Trạm, các bạn nhỏ cùng các thành viên ở Trạm chụp ảnh giao lưu, kết thúc một chuyến đi thực địa bổ ích và đầy lí thú.
Chào tạm biệt các bạn học sinh lớp 5D thông minh và ngộ nghĩnh, hẹn gặp lại các bạn ở những chuyến đi sắp tới.
Previous
Next Post »