Mục đích đánh giá quá trình học tập

Đánh giá quá trình học tập là quá trình phát hiện và phân tích các biểu hiện để  giáo viên và học sinh biết  mình đang học đến đâu,  học để làm gì và làm thế nào để đạt được mục tiêu trong học tập. Đánh giá:
- Là công cụ lập kế hoạch học hiệu quả
- Cần tập trung vào cách học của học sinh
- Được coi như cốt lõi của việc giảng dạy trên lớp
- Là một kĩ năng chuyên môn quan trọng của giáo viên
- Cần tế nhị và mang tính xây dựng
- Tạo động lực học cho học sinh
- Giúp học sinh hiểu mục tiêu học tập và các tiêu chí hoàn thành
- Đưa ra phương pháp cải thiện học tập
- Xây dựng khả năng tự đánh giá cho học sinh
- Công nhận mọi thành tựu học sinh đạt được trong mọi lĩnh vực học tập


1) Đánh giá hiệu quả học tập nên là một phần trong việc lập kế hoạch học tập và giảng dạy hiệu quả
Giáo án của giáo viên nên tạo cơ hội cho cả người học và người dạy nắm được và sử dụng thông tin để đạt được mục đích học tập. Giáo án cần phải linh hoạt để học sinh có cơ hội đưa ra ý tưởng và học được kĩ năng mới. Giáo án cần có kế hoạch cụ thể để đảm bảo học sinh hiểu được mục tiêu học tập và các tiêu chí áp dụng trong việc đánh giá kết quả học tập, cũng như cách học sinh tiếp nhận phản hồi từ mọi người, cách các em  tham gia vào quá trình đánh giá chất lượng học tập và cách các em  nhận sự giúp đỡ để tiến bộ hơn trong học tập.

2) Đánh giá hiệu quả học tập nên tập trung vào cách học của học sinh
Cả người học và người dạy đều phải hình dung ra quá trình học tập, kế hoạch đánh giá và kết quả đánh giá sau khi phân tích các bằng chứng. Học sinh nên nhận thức được cần học “như thế nào” thay vì “học cái gì” …..

3) Đánh giá quá trình học tập nên được coi là cốt lõi của việc giảng dạy
Theo dõi các hoạt động giáo viên và học sinh làm trên lớp được coi là một cách đánh giá. Cách học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập, cách đặt câu hỏi, tham gia học tập và thể hiện được kiến thức, hiểu biết và kĩ năng của các em. Giáo viên sẽ quan sát cách học sinh học trên lớp và nhận xét đánh giá nhằm gợi ý cách để học sinh có thể cải thiện việc học. Đánh giá là một phần quan trọng của việc giảng dạy hàng ngày. Giáo viên và học sinh cần trao đổi, thảo luận và thống nhất về sự đánh giá đó.

4) Đánh giá quá trình học tập cần được coi là một kĩ năng chuyên môn thiết yếu của giáo viên
Giáo viên cần có kiến thức và kĩ năng chuyên môn để: (i) lên kế hoạch đánh giá học sinh; (ii) quan sát quá trình học tập; (iii) phân tích và giải nghĩa các biểu hiện trong học tập của học sinh; (iv) đưa ra phản hồi và giúp học sinh  tự đánh giá bản thân. Giáo viên cần được hỗ trợ để hình thành và nâng cao các kĩ năng này liên tục thông qua bồi dưỡng và tập huấn phát triển chuyên môn.

5) Việc đánh giá hiệu quả học tập cần được thực hiện một cách tế nhị và mang tính xây dựng vì bất kì sự đánh giá nào đều ảnh hưởng tới cảm xúc của học sinh.
Giáo viên cần nhận thức được những lời phê bình và điểm số có tác động tới sự tự tin và nhiệt tình với học tập của học sinh. Vì thế giáo viên cần đưa ra những nhận xét mang tính xây dựng nhất có thể. Nhận xét của giáo viên nên chú trọng vào việc học tập hơn là vào bản thân học sinh, khi đó nhận xét sẽ có ảnh hưởng tích cực tới việc học và tạo động lực học tập cho học sinh.

6) Đánh giá nêntính đến tầm quan trọng của động lực học tập của học sinh
Đánh giá mang tính khuyến khích  sẽ thúc đẩy học sinh có thêm động lực phấn đấu bằng cách tập trung vào quá trình học và kết quả đạt được hơn là những gì học sinh yếu kém hay thất bại. Sự so sánh với những bạn khác học giỏi hơn sẽ không tạo ra động lực học tập cho học sinh. Đánh giá học sinh yếu kém có thể làm cho học sinh thu mình và không muốn học hay không tham gia quá trình học vì chúng được cho là kém. Cách đánh giá đảm bảo được quyền tự chủ của học sinh, đưa ra các phương án lựa chọn và phản hồi tích cực có tính xây dựng và tạo cơ hội cho việc tự định hướng sẽ giúp duy trì và tăng cường động lực học tập cho học sinh.

7) Đánh giá hiệu quả học tập cần thúc đẩy học sinh cam kết với mục tiêu học tập và cần có tiêu chí đánh giá chung mà giáo viên, học sinh và phụ huynh cùng hiểu thống nhất
Để học tập hiệu quả, học sinh cần hiểu chúng đang cố gắng để  đạt được điều gì và muốn đạt được điều gì. Khi học sinh hiểu và nắm được mục đích học tập và tiêu chí đánh giá thì học sinh sẽ cam kết học tập trong suốt quá trình. Giáo viên cần truyền tải cách và tiêu chí đánh giá cho học sinh với ngôn ngữ dễ hiểu, cho phép học sinh thảo luận và, đưa ra ví dụ cụ thể để làm thế nào đáp ứng các tiêu chí đánh giá trong thực tế và hướng dẫn học sinh tự đánh giá bản thân và đánh giá lẫn nhau.

8) Học sinh cần có sự hướng dẫn tích cực  của giáo viên để cải thiện việc học tập của mình
Học sinh cần có những thông tin và hướng dẫn để lập kế hoạch cho những bước tiếp theo trong quá trình học tập. Giáo viên cần chỉ ra những điểm mạnh của học sinh và khuyên họ tiếp tục phát huy nó; đồng thời chỉ ra rõ những điểm cần cải thiện và đánh giá nhận xét với thái độ xây dựng và hướng dẫn cách để cải thiện; tạo cơ hội cho học sinh cải thiện kết quả học tập.

9) Đánh giá hiệu quả học tập giúp phát triển khả năng tự đánh giá của học sinh, từ đó họ có thể tự đánh giá và làm chủ việc học
Những học sinh tự lập có khả năng tìm kiếm và rèn luyện những kĩ năng mới và tri thức mới. Họ có khả năng tự đánh giá quá trình học tập và xác định những bước tiếp theo. Giáo viên nên giúp học sinh có được niềm đam mê và trách nhiệm đối với việc học của mình thông qua xây dựng các kĩ năng tự đánh giá cho học sinh.

10) Đánh giá hiệu quả học tập nên xét đến các thành tích khác nhau của học sinh
Đánh giá hiệu quả học tập nên được sử dụng để tăng cơ hội cho học sinh học tập ở tất cả các lĩnh vực giáo dục. Học sinh nên được tạo điều kiện để có thể phát huy tốt nhất khả năng của mình một cách tốt nhất và các nỗ lực của học sinh ở tất cả các lĩnh vực  học tập đều cần được ghi nhận.

Nguồn: http://www.assessment-reform-group.org.uk


Trung tâm Giáo dục và Phát triển 
Previous
Next Post »